Độc đáo các lễ hội ở Bình Định

Đăng bởi admin lúc

Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn, đây là lễ hội lớn để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789). Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại thị trấn Phú Phong - huyện Tây Sơn. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát bội… thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước tham dự.

Lễ hội Đổ Giàn, diễn ra vào ngày rằm tháng 7 các năm Tỵ, Dậu, Sửu, người dân huyện An Nhơn và các huyện lân cận thường đổ về làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định để dự lễ Vu Lan, xem hát bội và những cuộc thi tài.Tuy nhiên, trong toàn bộ lễ hội, hấp dẫn và cuốn hút nhiều người là hội xô cỗ (người Việt gọi là xô giàn, về sau gọi thành đổ giàn). Người ta thiết lập một cái đàn cúng cao, trên đó người ta đặt đàn cúng thần gồm: hương, hoa, trà, quả, cỗ gạo, bánh và đặc biệt là cỗ heo nặng khoảng độ vài mươi ký. Sau những nghi thức cúng lễ cổ truyền, vị chủ tế  tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ đường cùng nhau tìm thế tranh lấy con heo. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang con heo chạy về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay. Hội đổ giàn của An Thái bao giờ cũng thu hút người tham dự đông và nghi thức xô cỗ đổ giàn được xem trọng nhất. 

Lễ Hội Đỗ Giàn - Huyện An NHơn

Lễ hội Chợ Gò, tổ chức vào ngày mùng 1 tết Âm lịch ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Đây chủ yếu là họp chợ, mua bán đầu năm lấy may mắn cho cả năm. Nhưng việc mua bán chỉ tượng trưng, đi hội vui là chính. Trai gái đi hội chợ Gò chen chân, liếc mắt để tìm bạn tình. Tuổi thiếu niên rủng rỉnh tiền lì xì thì đi mua đồ chơi, đồ ăn thức uống. Người có tuổi tham dự các môn cờ tướng, đá gà… Lễ hội chợ Gò có cách nay khoảng trên dưới 300 năm. Tương truyền, hai vị tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu  và Võ Văn Dũng chỉ huy quân đóng tại khu vực này, đã cho mở hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi cho vơi đi nỗi nhớ gia đình trong những ngày tết. Lễ hội chợ Gò ngày nay được nâng lên bước mới: có phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi. Các trò chơi dân gian được tổ chức: múa lân, chọi gà, cờ tướng, đá cầu, đập niêu, kéo co… 

Xong hội chợ Gò, ngay ngày hôm sau Mồng 2 tết du khách có thể đến với hội đua thuyền ở Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu. Gò Bồi có sông Gò Bồi, có cửa thông ra Đầm Thị Nại. Trai gái đội đua thuyền của các thôn trong xã và cả các xã bạn cùng đến thi tài trên sóng nước bằng những chiếc thuyền thúng, thuyền thoi nhỏ nhẹ lao vun vút giữa tiếng reo hò, cổ vũ của hàng ngàn công chúng đôi bờ… góp phần cho ngày Tết cổ truyền thêm vui ở miền quê vùng sông nước.

Đến với Bình Định vào mùa lễ hội, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian văn hóa lễ hội hết sức độc đáo, mà còn được thỏa thích với những bãi biển đẹp nổi tiếng, những món ăn ngon được kết tinh từ đất, nước, con người và đặc trưng văn hóa của miền đất võ, chắc chắn sẽ đem đến cho bạn và gia đình một mùa xuân thú vị.