Đến với mỗi làng võ, võ đường Bình Định, được nghe các vị võ sư kể về quá trình hình thành và phát triển võ cổ truyền, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại và được tận mắt chứng kiến những đường roi, bài quyền tuyệt kỹ, du khách sẽ hiểu hơn về miền đất võ, về giá trị của võ cổ truyền tỉnh nhà. Nổi tiếng có làng võ: An Vinh, An Thái, Thuận Truyền; các võ đường: Phan Thọ, Phi Long Vịnh, Chùa Long Phước…
Du khách xem biểu diễn võ cổ truyền tại võ đường Phan Thọ
Điều thú vị nhất đối với du khách là có thể trải nghiệm cùng miền đất võ. Chẳng hạn đến với võ đường Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), du khách sẽ gặp gỡ 1 trong những huyền thoại sống về võ cổ truyền của miền đất võ Bình Định, người nổi tiếng với bộ tay hay nhất Bình Định và cũng là một trong số ít võ sư tinh thông 18 ban binh khí (thập bát ban binh khí)cổ truyền của miền đất võ Bình Định. Nghe ông thuật lại những câu chuyện, 3 lần đánh bại các võ sư Đại Hàn (Hàn Quốc) hay một lần đánh ngã con lợn rừng nặng hơn 100kg, Hay tận mắt thấy ông dùng phương thuốc võ bí truyền trị chấn thương, mà ông được các thầy võ truyền dạy cho từ xa xưa. Du khách còn được thưởng thức các bài quyền như: Quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên, côn pháp Bát quái và những loại binh khí hiếm gặp chỉ lưu truyền trong dân bản địa mà dân gian gọi là võ thế, võ vườn như võ đòn sóc, võ bò cào...
Tới làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), du khách sẽ được chứng kiến một huyền thoại nổi tiếng đất Bình Định với tuyệt kỹ dùng roi của cố võ sư Hồ Ngạnh, một trong những võ sư làm rạng danh đường roi Thuận Truyền “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Nghe những giai thoại, chạm tay vào những kỹ vật của ông tiêu biểu là 2 cây roi lớn làm bằng gỗ kền kền được Hồ gia giữ lại làm báu vật, được xem biểu diễn các bài roi độc đáo như Thất bộ, Thái Sơn, Bát quái, Tứ môn, Ngũ môn, Trực chỉ, Tấn nhất, Tiên ông…, đặc biệt, du khách có thể học nhanh một vài chiêu thế tuyệt kỷ dùng roi đánh nghịch của Hồ gia, là đã thấy mình có thêm cách nhìn mới về vùng đất võ.
Du khách có thể đến với An Thái, một làng quê có truyền thống lâu đời và nổi danh trong các làng võ Bình Định, hoặc ghé thăm võ đường Lý Xuân Hỷ (phường trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn), người có thế đòn cùi chỏ khá tuyệt chiêu và được lão võ sư mời ra sân tập để trò chuyện. Lúc cao hứng, ông bảo khách ráp thế, bắt một vài đòn đánh cho vui và học nhanh một số đòn thế để phòng thân nếu khách muốn. Với lối nói chuyện dí dỏm “rặt chất nẫu” và dụng nghệ thuật biểu diễn võ để mạn đàm của ông chắc chắn đem lại thú vị và ngạc nhiên cho du khách.
Tham quan võ đường Phi Long vịnh (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), du khách được nghe ông thuật lại những câu chuyện học võ ly kỳ, những trận thượng đài nảy lửa khắp trung bộ và nam bộ Việt Nam, xem ông và các môn sinh biểu diễn bài quyền nổi danh Ngọc Trản Thần Công một trong những bài quyền nổi danh được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong các làng võ cổ truyền ở Bình Định cũng như ở Việt Nam, một trong 10 bài quyền thi đấu chính thức của làng võ thuật cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên, mà ông chính là người biểu diễn có thần nhất hiện nay, ông có thể biểu diễn bài quyền này trong phạm vị chiếc chiếu (rộng 1,2m, dài 1,6m), tạo ấn tượng khó quên cho du khách.
Với “võ chùa” phải nói đến võ đường chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Du khách không những được khám phá nét đẹp rất đặc biệt về ngôi chùa cổ kính với trên 200 năm tuổi mà còn trải nghiệm và thưởng thức những bài roi, bài thương, bài kiếm đặc sắc võ cổ truyền như: Xích kiếm ô long tiên, Hoa tiên, Tây quy kinh môn tiên, Lăng tiên, Lang kinh kim thương, Thiết đinh kim thương, Hồng môn thương, Sa vân kiếm pháp, Đăng vân sát kiếm, ngoài ra còn được nghe hòa thượng thích Hạnh Hòa nói chuyện những giáo lý nhà Phật khuyên răn, hướng con người đến với cái thiện, hướng tới sự thanh tịnh, làm cho du khách những cảm xúc “thoái xác”, thư giãn, tạm quên đi những toan tính đời thường.
Đến các làng võ, võ đường ở Bình Định, du khách không chỉ có dịp khám phá làng võ, võ đường mà còn có cơ hội học võ nghe bài chòi, hát tuồng và thưởng thức các món ăn đặc sản của miền đất võ mộc mạc mà mến khách.
Lê Lào