Cầu Thị Nại
2.1. Lược sử hình thành và phát triển
Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa từ nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Bình Định vừa lan tỏa, vừa tiếp nhận những giá trị của nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.
Bình Định xưa là đất thuộc Việt Thường Thị và nền văn hóa Sa Huỳnh, sau đó người Chăm đã tới chiếm lĩnh vùng đất này. Đến đời nhà Tần xứ này là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, đời nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, một người trong quận Nhật Nam là Khu Liên đã nổi dậy, đánh đuổi qian cai trị người Hán, giành chính quyền, lập ra nước Lâm Ấp (Linyi), tự xưng là Lâm Ấp vương. Đời nhà Tùy (605) dẹp Lâm Ấp đặt tên là Xung Châu, sau đó lại lấy tên cũ là Lâm Ấp. Đời nhà Đường, năm 627 đổi tên là Lâm Châu. Năm 803, nhà Đường bỏ đất này và nước Chiêm Thành của người Chăm ra đời, đất này được đổi là Đồ Bàn, Thị Nại.
Đời nhà Lê năm Hồng Đức thứ 2 (1471) vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, tiến đến tận núi Thạch Bi, chiếm đất này, và chia thành 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, nhập vào phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn. Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này, sau khi lấy lại đất này Nguyễn Ánh đổi tên đất này là dinh Bình Định, năm 1808 đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định Năm 1832, Bình Định và Phú Yên thành liên tỉnh Bình Phú, sau đó bỏ liên tỉnh này.
Năm 1890, thực dân Pháp sáp nhập thêm Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú. Năm 1913, thực dân Pháp lại sáp nhập Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú và thành lập tỉnh Kon Tum làm tỉnh riêng. Năm 1921, thực dân Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định tồn tại cho đến tháng 11.1975 thì sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi như cũ.
2.2. Nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa
2.2.1. Nhân vật lịch sử
- Nguyễn Huệ (1753 - 1792): Là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792) sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào. Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh (Trung Quốc) từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt. Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40.
- Mai Xuân Thưởng: Sinh năm 1860, quê ở xã Bình Thành, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, đỗ cử nhân, giỏi võ, có tinh thần yêu nước căm thù giặc. Năm 1855, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng với các sĩ phu khác chiêu mộ nghĩa quân và đã tiêu diệt nhiều binh lính của địch. Giặc Pháp nhiều lần gửi thư dụ hàng cho Mai Xuân Thưởng nhưng không lay chuyển được ý chí của ông. Bọn giặc đã bắt bà mẹ ông cùng một số nười trong làng. Được tin này, ông đã ra gặp bọn chúng để tránh cho mẹ ông và dân làng khỏi chịu khổ nhục. Giặc dụ ông hàng, ông nói: "Chỉ có thể chém đầu tôi, chứ không thể bắt tôi đầu hàng". Ngày 6.6.1887, bọn giặc đã xử tử Mai Xuân Thưởng, lúc đó ông mới 27 tuổi.
- Tăng Bạt Hổ (1859 - 1906): Quê ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tham gia phong trào Cần Vương, năm 1886, phong trào tan rã, ông tìm đường sang Xiêm (Thái Lan), Trung Quốc, Nhật để lo việc cứu nước. Việc không thành trở về nước chờ thời. Năm 1905, ông tích cực hưởng ứng phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng, rồi dẫn đường cho Phan Bội Châu sang Hương Cảng và Nhật. Sau ông trở về nước tích cực hoạt động cho phong trào, song bị bệnh nặng và mất tại Huế.
- Ngô Mây: Người anh hùng đánh bom cảm tử, là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, đặc biệt đối với người dân Bình Định. Ngô Mây sinh năm 1924, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Nhà nghèo, cha mất sớm, năm 1945 Ngô Mây cùng tham gia cướp chính quyền ở huyện lỵ. Tháng 7.1947, Ngô Mây từ biệt mẹ già nhập ngũ. Anh xung phong vào Tiểu đoàn 120, Đại đoàn 305. Ngô Mây hy sinh năm 1947. Tên của anh đã được đặt cho nhiều địa danh: Thị trấn Ngô Mây (Phù cát), phường Ngô Mây, đường Ngô Mây, trường THCS Ngô Mây (thành phố Quy Nhơn)…
2.2.2. Danh nhân văn hóa
- Ðào Tấn (1845 - 1907): Tự là Chí Thúc, hiệu Mai Táng và Mộng Mai. Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Vinh Thạnh, Tuy Phước, Bình Ðịnh. Ðào Tấn là học trò của Tú tài Nguyễn Diêu, một nhà soạn tuồng nổi tiếng. Noi gương và chịu trực tiếp ảnh hưởng của thầy, Ðào Tấn học tập viết tuồng hồi còn rất trẻ. Năm 22 tuổi, ông đậu cử nhân, 26 tuổi làm Hiệu thư trong Nội các Huế, chuyên soạn thảo kịch bản tuồng cho Hoàng gia theo lệnh Tự Ðức. Năm 1874, ông được bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch, sau thăng đến Phủ doãn Thừa Thiên (1878). Vừa làm quan ông vừa phụng chỉ soạn các vở tuồng. Vua Tự Ðức mất, ông cáo quan về nghỉ, nhưng rồi lại được gọi ra làm quan. Sau, ông đã ngấm ngầm giúp đỡ Phan Bội Châu chống Pháp. Năm 1907, ông lâm bệnh nặng và mất, thọ 62 tuổi. Hoạt động văn học nghệ thuật của Ðào Tấn hết sức phong phú, đa dạng. Ông để lại vài chục vở tuồng, có vở còn diễn đến bây giờ như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Ðào Phi Phụng. Trong lịch sử tuồng Việt Nam, Ðào Tấn là người viết nhiều nhất và cũng là người thành công nhất. Ngoài tuồng, ông còn sáng tác thơ văn. Tại Bình Ðịnh, người ta lập đền thờ ông, xem ông là ông tổ của ngành hát bội.
- Xuân Diệu (1916 - 1985): Là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với các tập Thơ thơvà Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 - 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình". Ông từng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam(1942). Ngoài làm thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học.
- Yến Lan (1916 - 1998): Tên thật là Lâm Thanh Lang, là một nhà thơ, nhà viết kịch Việt Nam. Ông còn có bút danh khác là Xuân Khải. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu(bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Ủy viên văn hóa Cứu quốc Bình Định (1947 - 1949); là Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hóa văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5 tháng 10 năm 1998. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
2.3. Di sản văn hóa
2.3.1. Văn hóa vật thể
a. Di tích, bảo tàng
Bảo tàng Quang Trung
Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu phía bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía nam có nền văn hóa Óc Eo, thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh - Truông Xe.
Đây là nơi lưu giữ những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian cùng những giá trị văn hóa, nghệ thuật đích thực. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm ngạo nghễ, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc cho đến bây giờ cũng còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những nhà khảo cổ và nghiên cứu nghệ thuật Champa đánh giá những cụm tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và đã dung hòa được những phong cách nghệ thuật Champa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Với 13 ngọn tháp còn lại, Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta.
Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn in đậm ở nơi đây với những di tích như: Điện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng Đế…
Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Định hiện có 150 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và danh lam thắng cảnh đã được quy hoạch. Đến cuối năm 2003, có 29 di tích LSVH đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng, khoảng 50 di tích LSVH đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích, danh thắng còn lại đang được khảo sát, xây dựng hồ sơ để xác định mức độ giá trị của từng di tích, ứng với cấp nào thì cấp đó công nhận.
Các di tích LSVH ở tỉnh Bình Định bao gồm các nhóm: di tích văn hóa Champa; di tích lịch sử và cách mạng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ… Trong đó, có các di tích tiêu biểu như: Di tích đền thờ 3 anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); các di tích văn hóa Champa như: tháp Bánh ít, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, cụm tháp Dương Long; căn cứ Núi Bà; chùa Linh Phong…
- Điện Tây Sơn: Di tích điện thờ Tây Sơn thuộc khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 40km về hướng Tây Bắc, là nơi thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, trải qua bao dâu bể vẫn luôn được giữ gìn tôn tạo, thể hiện tấm lòng tự hào, tôn kính, son sắt thủy chung của dân đối với 3 anh em Tây Sơn.
Điện Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của ba thủ lĩnh Tây Sơn và cũng chính là từ đường thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, những người đã sinh ra 3 anh em Tây Sơn, là nơi 3 anh em Tây Sơn cất tiếng khóc chào đời, đã cùng đi qua tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, rồi phất cờ khởi nghĩa trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của nông dân và dân tộc vào cuối thế kỷ XVIII. Hiện nay, trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn, sát bên cạnh điện thờ Tây Sơn vẫn còn lại 2 di tích cực kỳ quý giá, là cây me cổ thụ và giếng nước xưa, tương truyền có từ thời ông Hồ Phi Phúc. Điện Tây Sơn tuy nhỏ nhưng trang nghiêm. Trước sân rộng có tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chính điện gồm 3 gian, gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ.
- Bảo tàng Quang Trung: Được nhà nước xây dựng vào năm 1978 có quy mô đồ sộ, hoành tráng, kiến trúc theo kiểu cổ, dáng vẻ uy nghiêm, gồm 9 phòng trưng bày các kỷ vật liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung (1771 - 1789).
- Thành Hoàng Đế: Hiện nay di tích của thành thuộc địa phận thị trấn Đập Đá và xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn). Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa để lại và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Trong suốt một thời gian dài từ 1776 đến 1793, thành là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền trung ương Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc.
Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành Ngoại có chu vi là 7.400m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài 430m rộng 370m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật dài 174m rộng 126m. Sau khi triều đại Tây Sơn thất bại, Gia Long - Nguyễn Ánh đã trả thù cực kỳ dã man đối với triều đại Tây Sơn. Thành Hoàng Đế, dấu tích một thời vàng son của Tây Sơn cũng bị phá đổ nát. Trên nền cũ của thành, nhà Nguyễn cho xây một khu lăng thờ 2 viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, đây là một khu lăng mang phong cách Nguyễn điển hình nằm trong quần thể của di tích.
Thành Hoàng Đế là một di tích thành quách lịch sử nhắc nhở muôn đời sau về một thời oanh liệt của những người anh hùng áo vải cờ đào.
- Lăng Mai Xuân Thưởng: Được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ trên một ngọn đồi bên cạnh quốc lộ 19 thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn để tưởng nhớ Mai Xuân Thưởng, nhà yêu nước và cũng là lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định. Từ trên ngọn đồi này, nơi năm xưa Mai Xuân Thưởng đã dựng cờ khởi nghĩa, khách tham quan có thể quan sát thấy các căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân như Phú Phong, Tiên Thuận, Linh Đổng, Hương Sơn. Đã hơn một trăm năm kể từ ngày Mai Xuân Thưởng hy sinh nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng người dân Bình Định, trong lòng nhân dân cả nước.
- Mộ Đào Tấn: Mộ Đào Tấn nằm trên núi Huỳnh Mai thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 15km, là một di tích LSVH quan trọng đã được trùng tu tôn tạo trên nguyên gốc, ngày càng thu hút nhiều khách đến tham quan để tri ân người đã có công lao trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc.
- Tháp Đôi (hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh): Được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm 2 tháp (tháp chính cao 20m, tháp phụ cao khoảng 18m). Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Champa. Cả 2 ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm 2 phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda, hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ mái tháp. Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên. Kiến trúc của tháp Đôi chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ Giáo.
- Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc): Được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành, bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít, mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt, mỗi sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.
- Tháp Dương Long (hay còn gọi là Tháp Ngà): Ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn hóa nghệ thuật Champa, là một quần thể gồm 3 tháp Chăm (tháp giữa cao 24m, hai tháp 2 bên cao 22m). Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kỳ bí, Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất miền Trung, với đặc trưng độc đáo là có kích thước lớn và kiểu kiến trúc uy nghi.
- Tháp Cánh Tiên: Được xây dựng bên thành Đồ Bàn trên địa bàn xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn vào khoảng thế kỷ XVI. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần phía trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa văn dây xoắn. Ngôi tháp được tạo dáng, thanh thoát nhưng trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên.
- Tháp Bình Lâm: Được xây trên một gò đất cao thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn 22km. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, cao khoảng 20m chia làm 3 tầng, trang trí hoa văn tinh tế, kiến trúc hài hòa với những đường nét vừa thanh tú vừa khỏe khoắn…
Các tháp trên đều đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Có thể nói hệ thống tháp Chăm ở Bình Định là hết sức phong phú, đa dạng tạo ra sức hấp dẫn đặc thù chỉ có ở Bình Định, đối với khách du lịch khi đến vùng Nam Trung bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
- Căn cứ Núi Bà: Núi Bà là một danh thắng nằm ở Đông Nam huyện Phù Cát, hướng ra biển, hùng vĩ, hoành tráng. Trên núi, có đá Vọng Phu, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, trông giống người phụ nữ dắt con, đứng nhìn đăm đăm ra biển ngóng đợi chồng về. Và ở vùng địa phận xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, trên lưng chừng núi giữa một vùng mây nước, hang động xinh đẹp, huyền ảo còn có ngôi chùa Linh Phong nổi tiếng được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII. Núi Bà đồng thời cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của Bình Định. Với trên 80 di tích, tập trung thành 29 khu, Núi Bà là một quần thể di tích gắn liền với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bình Định, là căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là nơi che chở, bảo vệ các cơ quan cách mạng của tỉnh, là nơi nuôi dưỡng những đoàn quân giải phóng, là khởi nguyên của nhiều chiến thắng lẫy lừng. Trong lòng người dân Bình Định, Núi Bà đã trở thành một trong những biểu tượng của quê hương, của niềm tin và lòng tự hào.
- Chùa Thập Tháp Di Đà: Nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 27 km về hướng Tây Bắc, được hòa thượng Nguyên Thiều thuộc phái Lâm Tế xây dựng vào thế kỷ XVII với vật liệu chính là các viên gạch đỏ lấy từ 10 tháp Chăm bị hư hỏng tọa lạc xung quanh nên gọi là chùa Thập Tháp và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch Thập Tháp Di Đà tư. Đến nay, trải qua lịch sử trên 300 năm, chùa Thập Tháp Di Đà tự đã trở thành công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô hoành tráng, là bộ sử bằng di tích thể hiện quá trình phát triển của Phật giáo Đàng Trong và đây là ngôi tổ đình của phái Nguyên Thiều. Bên cạnh ý nghĩa đó, quần thể kiến trúc điêu khắc và toàn bộ cảnh quan chùa Thập Tháp ngày nay còn là một di tích văn hóa có giá trị lớn trên nhiều phương diện, đã được xếp hạng là di tích quốc gia.
b.Danh lam thắngcảnh
- Bãi biển: Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Bình Định những bãi biển tràn ngập ánh nắng, mặt nước trong xanh như: Bãi Dài, Bãi Xép, Nhơn Lý (Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (Phù Cát), Lộ Diêu, Tam Quan (Hoài Nhơn), đặc biệt các bãi biển Hải Giang, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh thuộc tuyến du lịch sinh thái quốc gia Phương Mai - Núi Bà nằm trong số những bãi biển đẹp nhất Nam Trung bộ với cảnh quan thiên nhiên biển, núi hài hoà.
- Đồi Ghềnh Ráng: Nằm ở phía đông nam thành phố Quy Nhơn, là thắng cảnh quốc gia, là tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biển, nơi đây đá chất chập chùng tạo thành hang, thành rạng, thành gành với khí hậu mát lành và phong cảnh hữu tình, được vua Bảo Đại chọn là nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân đồi Ghềnh Ráng, bên bờ gành là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho Nam Phương hoàng hậu khi về đây nghỉ mát nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Từ trên sườn đồi có thể ngắm bao quát toàn bộ phía Đông thành phố Quy Nhơn và xa hơn là bán đảo Phương Mai với đầm Thị Nại như một bức tranh thủy mặc. Và bên cạnh sườn đồi còn có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, một thi sĩ nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam.
- Đầm Thị Nại: Phía đông bắc Quy Nhơn có đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định chạy dài hơn 10km, bề rộng tới gần 4km với nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng tươi ngon bổ dưỡng. Trong đầm, ở gần bờ phía tây có một núi nhỏ, trên đó có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần, hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy Bói (do chim bói cá thường tụ tập trên các khối đá nên có tên như vậy), làm cho cảnh quan đầm thêm sinh động và hấp dẫn. Mỗi buổi ban mai, những tối trăng tròn chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên.
- Bán đảo Phương Mai: Nằm về phía đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn, với hệ thống núi đá trùng điệp ăn ra biển chạy dài khoảng 15km. Phía bắc bán đảo và chếch về phía tây bắc là những bãi biển tuyệt đẹp chạy dài tới huyện Phù Cát. Nhìn từ xa, Phương Mai như đầu một con rồng, thân nằm dài về phía bắc đến tận cửa Đề Gi. Tận cùng phía nam của bán đảo là một lưỡi nhọn hình mũi mác với nhiều hóc đá kỳ thú, hiểm trở, chim yến thường kéo về làm tổ, dâng tặng cho loài người loại đặc sản "yến sào" vô cùng bổ dưỡng, quý hiếm.
- Thắng cảnh Hầm Hô: Là một khúc sông dài gần 3km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn khoảng 55km. Hầm Hô nổi tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ, cá từ khắp nơi kéo về từng bầy đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như cá bay. Dân gian truyền rằng, hàng năm Long Vương tổ chức kỳ thi cho cá tại Hầm Hô, con nào vượt qua được sẽ hóa thành rồng, do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian thì gọi là thác Cá Bay.
Với chiều rộng trên dưới 30m, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn viên kim cương khoe mình bên làn nước trong xanh. Đi dọc theo dòng sông sẽ gặp Hòn Đá Thành - một vách đá dựng đứng như tường thành, rêu phủ xanh rì, rễ cây phủ kín cổ kính. Bên trái thành có một bãi đá chồng chất lên nhau như có một người khổng lồ đổ cả một thúng đá xuống bờ sông, nên dân gọi đây là “khúc sông Trời lấp”.
Qua khúc sông này là vũng cá Rói luôn chứa đầy cá rói dồn tụ về đây. Tiếp một đoạn nữa có một khối đá giống như cá sấu nằm ngay giữa lòng sông, chắn dòng nước chảy xiết làm bọt tung trắng xóa nên gọi là Hòn Trào. Và còn nữa những khối đá như sống động, có hồn, bởi huyền tích do con người thêu dệt như Hòn Vò Rượu, hòn dấu chân ông Khổng Lồ, Bàn Cờ Tiên, Hòn Ông Táo... Càng đi sâu cảnh vật càng kỳ thú, hương rừng ngào ngạt, chim hót véo von. Thiên nhiên ở đây tạo nên một bức tranh sinh động kỳ ảo và là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ ngơi. Hầm Hô cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng và cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc…
- Suối khoáng Hội Vân: Nằm trên địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 48km về phía tây bắc, trong một vùng có cảnh đẹp thanh tao, kỳ ảo. Hội Vân là một suối khoáng nóng có giá trị đối với việc điều dưỡng chữa các bệnh như thấp khớp, tim mạch, các bệnh ngoài da... Tương truyền đây là suối nước mà thần tiên đã ban cho một công nương trong hoàng tộc Champa để chữa bệnh, vì vậy mà con suối này còn có tên gọi là suối Tiên. Hiện nay ở đây có viện điều dưỡng chữa bệnh với các phương pháp trị liệu cổ truyền được du khách đánh giá cao.
- Hồ Núi Một: Là một hồ nước ngọt lớn có mặt hồ rộng hơn 1.200 ha, ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn. Xung quanh hồ là suối, thác, hang động, rừng nguyên sinh, chính giữa là mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh, tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ, sông - suối - núi – hồ hữu tình, gần cuối hồ là làng đồng bào dân tộc Bana, giúp cho du khách khám phá tìm hiểu thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc và cùng tham gia các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Bana như: ca múa hát, cồng chiêng...
2.3.2. Văn hóa phi vật thể
a. Phong tục tập quán
Bình Định là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán độc đáo, riêng có. Có thể điểm qua một số phong tục, tập quán như:
- Tục nhuộm răng ăn trầu của người Bình Định xưa: Ở Bình Định thời trước ai cũng ăn trầu, vì thế mới có nghề lía trầu giúp Nguyễn Nhạc góp phần gầy dựng cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Ngày xưa con trai, con gái tới tuổi thành niên thường bắt đầu "ăn trầu". Con trai có thêm tục "hút thuốc", đàn bà con gái chỉ ăn trầu chứ không hút thuốc. Họ xem “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên thường khuyến khích thanh niên nam nữ ăn trầu. Nhà nào cũng trồng một vài cặp trầu và cây rễ trong vườn.
Khi ăn trầu người ta dùng vôi quét nhẹ lên mảnh lá trầu tươi đã cắt xéo (thường ½ hoặc ¼ lá), gập lại cho vôi nằm ở giữa rồi bỏ vô miệng nhai. Vôi ăn trầu là loại vôi chín màu đỏ hồng, hay trắng. Ăn trầu nhất thiết phải có vôi, không có vôi trầu không đỏ, không nồng, vị nhạt như nước ốc.
Để có miếng trầu ngon thì ngoài cách têm trầu cho đẹp, cho khéo còn phải biết quệt vôi sao cho vừa ăn. Nếu quệt nhiều, miếng trầu cay xé, quệt ít thì không đủ nồng. Để có vị chát và giảm bớt chất nồng cay của trầu và vôi, người ta cắn một mẩu rễ và lá cau tươi; nếu là cau khô thì phải ngâm kỹ trong nước cho mềm. Tất cả nhai chung trong miệng cho đến khi nước cốt có màu đỏ bầm như máu, hương thơm nồng rất dễ chịu. Để tăng thêm vị đậm đà, người ta còn dùng thuốc rê (lá thuốc xắt thành sợi nhỏ), vo thành viên như viên bi lăn qua lăn lại dưới hàm răng, vừa để chặn nước cốt trầu không chảy ra ngoài, vừa tăng cảm giác ngon miệng.
Vì ăn trầu phải nhổ nước cổ trầu nên nhà nào cũng sắm một hai ống nhổ bằng đất hoặc bằng đồng có trang trí hoa văn rất đẹp. Các loại trầu cau, thuốc, rễ đựng trong cơi trầu bằng tre, nhỏ xinh như chiếc rá gạo bây giờ. Ngày nay cơi trầu được thay bằng gỗ nhựa, tuy tiện lợi nhưng ít thẩm mỹ hơn nhiều. Ngoài cơi trầu, còn có dãy trầu. Khi đi ra ngoài thì có dãy trầu bằng vải luôn dắt theo người, gặp ai cũng lấy ra mời như người ta mời thuốc lá vậy. Càng về sau tục ăn trầu giảm dần, chỉ còn là những bà cụ già, còn đàn ông thì chuyển sang hút thuốc. Nhưng nhờ ăn trầu có vôi và trầu cau, thuốc, rễ có vị cay, chát sát trùng nên răng các cụ ngày xưa khá tốt.
- Lễ giỗ tổ tại các lò võ cổ truyền: Nghề nào tổ nấy. Theo võ sư Phan Thọ, ngày xưa các lò võ đều thờ ba vị thánh tổ là Dương Thiền lão tổ, Đạt Ma tổ sư và Tiêu Diện lão tổ. Có nơi còn thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ và Đức Quan Thánh Đế (Quan Công).
Về sau, đối tượng được suy tôn là tổ sư ở mỗi võ đường một khác. Nhiều lò võ ở Tây Sơn vừa thờ chư vị thánh tổ nói trên vừa thờ Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ. Điều này thể hiện sự dung hòa giữa ý thức dân tộc với tinh thần tiếp biến văn hóa. Ngày giỗ tổ nghề võ không thống nhất. Lò võ Phan Thọ thờ vua Quang Trung, giỗ tổ ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Còn lò võ Hồ Sừng thờ võ sư Hồ Ngạnh, giỗ tổ ngày mồng 6 tháng 2 (ngày mất của tổ sư Hồ Ngạnh).
Giỗ tổ là một nghi lễ mang tính truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cầu mong điều tốt đẹp cho môn phái, thắt chặt mối liên kết giữa những người đồng môn, đồng thời giáo dục cho thế hệ sau tinh thần tôn sư trọng đạo.
- Tục thử dâu của người Bana: Dân tộc Bana ở Việt Nam có khoảng 10.000 người, phân bố chủ yếu ở Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đăk Lăk. Người Bana ở Hoài Ân vẫn còn giữ những nét phong tục từ lâu đời. Một trong những phong tục truyền thống độc đáo của họ là tục thử dâu. Các chàng trai, cô gái Bana đến tuổi dựng vợ gả chồng được tự do chọn bạn đời theo phong tục của họ. Tiêu chuẩn chọn lựa “một nửa” của người Bana là sự trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy. Con gái phải thông thạo đan lát. Con trai phải có tài săn bắt, lấy củi.
Từ lúc yêu nhau đến khi cưới, đôi nam nữ phải trải qua 2 lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới. Với người Bana, lễ trao vòng cũng ý nghĩa như lễ đính hôn của người Kinh. Ngày cưới thường diễn ra vào giữa tháng. Đám cưới người Bana được xem là ngày hội của làng và chỉ diễn ra trong một ngày.
Khi cưới xong, chàng trai phải ở rể. Thế nhưng, lúc dẫn vợ về thăm nhà thì cô dâu nào cũng được mẹ chồng thử tài. Cách thử dâu của người Bana thường là mời trầu. Chẳng hạn, vừa thấy nàng dâu theo chồng về thăm nhà sau ngày cưới thì bà mẹ chồng sẽ hoan hỉ trải chiếu mời dâu ngồi và mời trầu. Nếu nàng dâu ngồi ở nhà sàn, đưa hai tay đón lấy miếng trầu từ mẹ chồng thì được đánh giá đó là nàng dâu ngoan, trước khi lấy chồng được giáo dục kỹ lưỡng. Có những bà mẹ chồng rất khó tính, thường thử dâu bằng cách bắt dâu đi làm rẫy.
- Lễ bỏ mả của người Bana: Đối với phong tục người Bana, khi mùa rẫy đã thu hoạch xong là bước mùa “Ning Nong” (mùa rảnh rỗi); tương ứng độ tháng 9 tháng 10 âm lịch hằng năm, và dịp này người Bana tổ chức lễ bỏ mả cho người quá cố đã chuẩn bị hội đủ các điều kiện cần thiết. Lễ hội bỏ mả (bỏ nhà mồ) thường diễn ra từ 3 đến 7 ngày, nhưng không khí tưng bừng, chuẩn bị cho ngày lễ đã có trước đó cả hàng tháng trời, xưa kia đến vài ba tháng. Trai làng vào rừng đốn gỗ tốt, chặt trúc (trảy), cắt tranh đem về khu nhà mồ. Khi mà việc chuẩn bị đã được tươm tất, già làng làm lễ cúng và chọn ngày, chọn nghệ nhân đẽo tượng, làm nhà mồ, trang trí hoa văn nhà mồ. Ai cớ rượu đem rượu, ai có heo góp heo, mới người đều chung sức chung lòng để mùa lễ hội của làng được trọn vẹn. Lễ hội bỏ mả là dịp tiễn đưa linh hồn người quá cố, buồn vui hòa trộn; song niềm vui được bộc lộ mạnh hơn vì người sống đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với người thân qua đời và không lo hồn ma (Tâu) quấy nhiễu,làm hại cuộc sống con người.
Tục lệ bỏ mả là lễ hội quan trọng trong đời sống xã hội của người Bana. Song lễ hội này đã bị mai một và nhiều địa phương không còn tồn tại; còn chăng ở những làng rẻo cao như Kon Truch (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), Kon Trú (xã Bock Tới, huyện Hoài Ân)... Trong tháng năm gần đây, lễ hội bỏ mả đã được khôi phục lại ở một số bản làng Bana cùng với việc triển khai các ngày hội văn hóa của các dân tộc miền núi do chính quyền các cấp tổ chức. Việc các gia đình dù giàu hay nghèo, dù lễ vật là trâu bò hay con gà, dù làm nhà mồ to đẹp, nhiều tượng nhà mồ hay chỉ là nhà tranh đơn sơ nhưng họ sẽ thấy thanh thản, tâm hồn được cởi mở vì đã làm tròn bổn phận đối với người quá cố, đối với tổ tiên.
b.Lễ hội
Lễ hội ở Bình Định là vốn văn hóa tinh thần đặc sắc của nhân dân Bình Định và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội còn là đặc sản văn hóa độc đáo để Bình Định giới thiệu bản sắc văn hóa của mình ra bên ngoài. Ngoài các lễ hội truyền thống như lễ cầu ngư, lễ tá thổ, lễ cầu mùa… của người Kinh và các lễ hội truyền thống của ba dân tộc thiểu số: Bana, Chăm, Hre sống trên quê hương Bình Định, hiện nay còn có các lễ hội nhằm phục vụ các nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút du lịch như: lễ hội chiến thắng Đống Đa, lễ hội văn hóa thể thao miền núi, lễ hội văn hóa thể thao miền biển…
- Lễ hội cầu ngư: Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển, hải đảo Bình Định, được tổ chức thường xuyên vào mùa xuân và mua thu hàng năm. Vào các ngày hội có đầy đủ kiệu rước, đội trống chiên, ban nhạc, đội chèo bả trạo, hát tuồng, diễn xướng theo nghi lễ, thu hút hàng nghìn người tham dự.
Theo thông lệ, lễ hội được diễn ra trong quỹ thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, được diễn ra vào ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.
- Lễ hội Đống Đa: Đây là lễ hội lớn nhất trong nước để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789), đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát tuồng... thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước tham dự.
- Lễ hội Chợ Gò: Tổ chức vào ngày mùng 1 Tết âm lịch ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Bên cạnh phiên chợ được nhóm vào ngay ngày đầu năm Âm lịch với những hoạt động mua bán không mang tính chất kinh doanh mà chỉ có ý nghĩa cầu lộc, tài may mắn đầu năm, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: hát bài chòi, biểu diễn võ thuật thi múa lân, và các trò chơi khác. Lễ hội chợ Gò ngày nay được nâng lên bước mới: có phần lễ trang trọng và phần hội vui vẻ.
- Lễ hội Đèo Nhông: Tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Đèo Nhông nằm trên trục đường quốc lộ 1 thuộc xã Mỹ Phong và Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ để kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu (năm 1965) vang dội của lực lượng vũ trang quân khu V và bộ đội địa phương Bình Định, đã góp phần cùng với toàn miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch, ghi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước một trang sử vàng chối lọi.
- Lễ hội Đổ giàn: Tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn. Đầu tiên gọi là hội xô cỗ (xô giàn), về sau gọi là đổ giàn. Người ta thiết lập một đàn cúng cao, trên đó đặt hương, hoa, trà, quả, cỗ gạo, bánh và đặc biệt là cỗ heo quay. Sau những nghi thức cúng lễ cổ truyền, vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Người tranh tài là các võ đường quanh vùng, các lò võ cử người tham gia cuộc thi xông vào giành heo quay và mang con heo chạy về vị trí đã định.
c.Nghề và làng nghề truyền thống
Bình Định cũng là nơi có nhiều nghề và làng nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm gốm, nổi danh với gốm Gò Sành, có từ thời Champa (thế kỷ XIV - XV), nghề rèn… Ngày nay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì hoạt động như: nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (Đập Đá, An Nhơn), nghề làm nón (Phù Cát), nghề nấu rượu ở Bàu Đá (Nhơn Lộc, An Nhơn), nghề làm bánh tráng, phổ biến ở hầu hết các vùng trong tỉnh. Du khách khi đến tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất tinh vi với tay nghề điêu luyện khéo léo của người lao động làm ra những sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa có tính nghệ thuật cao, đồng thời là những sản phẩm lưu niệm độc đáo, có giá trị cho khách tham quan du lịch. Một số làng nghề tiêu biểu như:
- Hội làng rèn Tây Phương Danh: Làng nghề thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, là làng có truyền thống làm rèn cách đây 300 năm. Cụ tổ là Đào Giã Tượng mang nghề từ phương bắc vào truyền cho dân địa phương. Hàng năm, để nhớ ơn người khai sinh làng Rèn, người Tây Phương Danh tổ chức lễ hội làng rèn vào ngày 12 tháng Hai âm lịch. Lễ hội quy tụ những thợ rèn ở địa phương và các nơi khác đến.
- Nghề làm nón ở huyện Phù Cát: Ở Bình Định có chiếc nón lá Gò Găng nổi tiếng nhưng vẫn còn thêm một chiếc nón khác rất độc đáo, một sản phẩm ngày xưa chỉ dành cho giới quý tộc, quan binh triều đình, đó là chiếc nón ngựa... Hiện nay, nghề làm nón ngựa ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định vẫn được duy trì và phát triển. Làng nghề này có truyền thống đã hơn một trăm năm, trải qua biết bao thăng trầm nhưng nghề làm nón ngựa vẫn tồn tại và phát triển.
- Nghề làm gốm gia dụng, nghề rèn, nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ở vùng Nhơn Hậu, Đập Đá huyện An Nhơn.
- Làng rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định): Làng có khoảng 40 hộ với 250 nhân khẩu, các hộ này hầu hết đều sinh sống bằng nghề nấu rượu. Ngoài ra, toàn xã có khoảng 1.200 hộ nấu rượu trong lúc nông nhàn hoặc vào các dịp lễ tết. Hiện nay, rượu Bàu Đá Bình Định đã và đang được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và một số du khách nước ngoài rất ưa chuộng vì chất lượng không thua kém những loại rượu khác.
- Làng bún song thần An Thái: Là một trong những làng nghề cổ truyền ở Bình Định chuyên sản xuất một loại bún đặc biệt đã tồn tại hàng trăm năm qua. Bún Song Thần là đặc sản của người Minh Hương sinh sống tại An Thái. Theo khẩu truyền thì loại bún này có từ thế kỷ XVIII, nghĩa là lúc người Hoa đến đây sinh cơ lập nghiệp và phát triển nghề làm bột đậu xanh và bún song thằn(do sợi bún giống 2 sợi dây thừng xoắn lại), về sau gọi trại thành bún song thần. Trong thời kỳ chiến tranh, bún song thần có mai một đi một thời gian dài do những người trong làng nghề chuyển cư đến nơi khác làm ăn, một số tìm nghề khác làm ăn khấm khá hơn. Hiện nay, lớp hậu sinh tiếp nối nghề của cha ông trở về với nghề cũ. Làng bún đã và đang được khôi phục dần với gần 40 hộ sản xuất.
- Nghề làm bánh tráng: Nghề này phổ biến ở hầu hết các vùng trong tỉnh. Du khách khi đến với những làng nghề truyền thống này sẽ được tham quan quá trình sản xuất tinh vi với tay nghề điêu luyện khéo léo của người lao động làm ra những sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa có tính nghệ thuật cao, là những sản phẩm lưu niệm độc đáo, có giá trị cho khách tham quan du lịch.
d.Ẩm thực
Bình Định cũng là nơi có vốn văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo. Bình Định còn là quê hương của cá, tôm, cua, ghẹ, ốc, hàu... Vì thế mà vùng đất này nổi danh với món cá nướng và gỏi cá, chế biến từ những con cá mú, cá hồng to tướng và tươi rói. Dân vùng biển khoái ăn cơm với cá ngừ kho ngọt hay chả cá thu hấp (chả cá Đề Gi). Vắng cơm thì có: bánh canh chả cá; cháo cá rựa; cháo hàu; cháo cua huỳnh đế; bún tôm Mỹ Lợi… thay thế. Nhậu lai rai thì có: cá mú hấp, da cá mú bông rang vàng, cá chua nướng lá chuối chấm muối ớt tươi hay nem nướng Chợ Huyện. Dân miệt đồng thì khoái món gỏi chình đầm Châu Trúc, cá chạch tre Bàu Sấu kho sả nghệ, chim mía Phú Phong nướng hoặc quay. Dân vùng cao thích món gié bò Tây Sơn hay món nhộng ong vò vẽ xào với măng non hay nấu cháo. Hè về, người Bình Định ăn sứa xúc bánh tráng hay sứa nước lèo; đông sang có bánh xèo Quy Nhơn; Tết đến thì không thể vắng món thịt bò thưng. Bình Định cũng là quê hương của bánh hỏi: dân dã thì ăn bánh hỏi với lá hẹ, nước chấm đủ vị chua, cay, mặn ngọt; sang trọng thì có bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi... Dưa, mắm cũng là đặc sản của đất võ. Dưa thì có: dưa cải xổi, dưa cải trường, dưa môn, dưa măng, dưa đu đủ, dưa hồng, dưa chuối chát…, nhưng ngon nhất vẫn là dưa kiệu Phù Mỹ. Mắm thì có mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn, mắm cá thu Tam Quan, mắm cua đồng kho với nấm mối, trộn với thịt cá chạch nướng tươi xé nhỏ thành một thứ nước sền sệt để chấm đọt lang luộc.