Hội đầu tiên của mùa xuân trên đất Bình Định phải kể đến là lễ hội Chợ Gò. Khá đông nam thanh nữ tú từ mọi ngả đổ về dự hội. Những đoàn người hòa quyện cùng các đội lân, các trò chơi dân gian, không ai bỏ lỡ dịp thưởng thức các đợt biểu diễn võ thuật cổ truyền. Hội xuân Chợ Gò. Như mọi năm, người ta cũng bày đủ thứ trái cây, hoa quả, trầu cau, đến những đặc sản ẩm thực chim mía, bún cá, nem, chả Chợ Huyện, các loại đặc sản địa phương thật hấp dẫn. Các mẹ, các bà ai cũng mua cho được vài miếng trầu cau đầu xuân lấy lộc.
Lễ hội kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn cũng được tổ chức khá long trọng. Tuy tỉnh vừa tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 nhưng chương trình diễn ra tại lễ hội cũng không gây sự trùng lắp cả nội dung lẫn hình thức. Lễ hội bắt đầu rộn ràng lên với các hoạt động hưởng ứng từ tối mùng 3 Tết Kỷ Sửu 2009 như chương trình ca múa nhạc tổng hợp do huyện Tây Sơn thực hiện, tổ chức giải võ cổ truyền liên tỉnh tại sân vận động huyện Tây Sơn, chương trình diễn tấu cồng chiêng và những bài múa xoang Bana diễn ra tại nhà rông Tây Nguyên trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.
Mở đầu lễ hội như truyền thống có lễ dâng hoa - dâng hương diễn ra vào chiều mùng 4 Tết tại tượng đài Quang Trung trước Bảo tàng và tại Điện thờ Tây Sơn. Đây là một hoạt động tâm linh trong diễn trình lễ hội. Để tạo sự trang nghiêm và mới lạ, lễ dâng hoa - dâng hương đã được tỉnh chỉ đạo tổ chức theo hình thức nghi lễ truyền thống kết hợp với nghệ thuật sắp đặt tiến hành trong nền nhạc hiện đại, phối hợp với dàn trống dân tộc. Đặc biệt nghi thức này có sự xuất hiện của chín trống sấm lớn, tượng trưng cho chín văn thần võ tướng Tây Sơn được thờ trong Điện. Nền nhạc trống được thực hiện đã làm không gian Bảo tàng Quang Trung thêm tôn nghiêm, tạo ra cảm xúc khí thiêng sông núi, nhưng vẫn mộc mạc, gần gũi với mọi người dân và du khách. Điều này đã giúp người dự lễ cân bằng các chiều hướng cảm xúc từ sự hoành tráng của lễ hội, phi thường của lịch sử nhưng không quá xa lạ, khó hình dung trong cuộc sống hiện tại. Và khí thiêng ấy cùng hòa quyện trên nền nhạc huyền ảo và lời đọc bài “Chiếu lên ngôi” của Nguyễn Huệ.
Đi vào lễ hội chính thức, mở đầu là lễ thượng cờ Quang Trung và cờ Tổ quốc. Nghi thức này cũng hoàn toàn mới, được dàn dựng trang trọng, nhằm tạo nên một sự kiện độc đáo, vừa mang tính chính trị, vừa mang tâm linh và nghệ thuật cao.
Đến phần hội là chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, với màn biểu diễn Trống trận Tây Sơn, múa cờ Nghĩa khí Tây Sơn,múa võ Quang Trung hành binh thần tốc... Chương trình này có sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt và biểu diễn, tạo hiệu ứng kết nối toàn thể khán giả với không gian hồn thiêng lịch sử. Đây là một hoạt động hoàn toàn rất mới lạ, mang đậm ý nghĩa tâm linh trong lễ hội - Chương trình nghệ thuật sắp đặt Cội nguồn, mỗi du khách đến với lễ hội trong thời gian này sẽ được dạo một vòng quanh gốc me cổ thụ và uống một ngụm nước giếng trên dưới 250 trăm năm như hưởng “lộc” từ nghĩa khí Tây Sơn, như đang trong lộ trình về với cội nguồncủa võ Tây Sơn, cội nguồncủa võ cổ truyền Bình Định…
Lễ hội 50 năm khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, cũng được tổ chức trọng thể, có chương trình nghệ thuật tổng hợp “Ánh lửa quật cường rực sáng tương lai”,có biểu diễn cồng chiêng Bana Kriêm mừng chiến thắng, chương trình ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Bác Hồ kính yêu và khẳng định những thành tựu đạt được của huyện Vĩnh Thạnh trong 50 năm qua và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.
Lễ hội Đèo Nhông - Dương Liễu, lễ hội chiến thắng Đồi Mười vào mùng 5 Tết, lễ hội đua thuyền ở đầm Châu Trúc huyện Phù Mỹ, lễ hội đua ghe ở Gò Bồi huyện Tuy Phước vào mùng 2 Tết, lễ hội vía Bà ở Cảnh Hàng huyện An Nhơn vào ngày 17 tháng giêng, lễ hội tế tiền hiền tại danh thắng Hầm Hô vào 20 tháng giêng... cũng được chính quyền địa phương quan tâm đúng mực để lễ hội được trang trọng, tiết kiệm, lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc, khuyến khích các trò chơi dân gian, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian.
Một cách nhìn về lễ hội:
Nhìn chung các lễ hội diễn ra đầu xuân Kỷ Sửu trên địa bàn tỉnh đã tạo được ấn tượng mới, như dần thiên về hướng xã hội hóa và thực hiện nghiêm túc nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Các địa phương khi tổ chức lễ hội luôn dựa trên nguyên tắc bảo tồn những nghi lễ truyền thống vốn có, đồng thời duy trì và phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao dân gian lành mạnh; lồng ghép giới thiệu tôn vinh về lịch sử truyền thống của địa phương, của di tích và lễ hội với việc báo cáo trước nhân dân những thành tựu của địa phương và phát động nhân dân thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Việc giới thiệu những nhân vật lịch sử được tôn thờ và những giá trị đặc biệt riêng có ở các di tích, cũng như ý nghĩa lễ hội đã được ban tổ chức rất chú trọng, nhờ đó nhân dân và du khách lại càng thấu hiểu và trân trọng vốn di sản văn hóa Bình Định. Hy vọng mùa lễ hội những năm đến lại tiếp tục được phát huy những nét đẹp truyền thống biểu hiện qua nét mới được sáng tạo từ những nghệ nhân, người nắm giữ di sản văn hóa lễ hội.
N.V.N