Thành Hoàng Đế

Đăng bởi admin lúc

Từ 500 năm trước là kinh đô của nước Chămpa. Theo thư tịch cổ, ngôi thành cổ này có rất nhiều tên gọi: Vijaya, Chà Bàn, Xà Bàn, thành Lồi, Đồ Bàn… Trong đó, tên gọi Chà Bàn được sử liệu Việt Nam ghi chép sớm nhất vào thời Lê (1403) và sử dụng nhiều nhất, một số sử liệu về sau gọi là thành Đồ Bàn. Sách Lịch triều hiến chương loại chícủa Phan Huy Chú viết: “Sách Thiên Nam dư địa chí gọi là Chà Bàn, sau nhiều sách chép lầm là Đồ Bàn vì chữ Chà và chữ Đồ gần giống nhau”.

Năm thế kỷ vương quốc Champa định đô ở vùng Vijaya (TK XI-XV), chiến tranh nhiều lần chà xát khu vực này. Sau lần bị người Khơme tấn công vào cuối thế kỷ XII, kinh đô bị hủy hoại nặng nề. Đến năm 1832, để tránh cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông, người Chăm lại bỏ kinh thành chạy lên vùng thượng du. Cuộc chiến với nhà Trần và đặc biệt là nhà Lê của Đại Việt vào năm 1471 đã đưa Vijaya vào Đại Việt, thành Đồ Bàn chấm dứt vai trò lịch sử của nó với vương quốc Champa. Hiếm có kinh đô nào lại xây dựng, bị hủy hoại, rồi tu sửa, phục hồi nhiều lần như Đồ Bàn.

Hiện nay di tích này thuộc địa phận thị trấn Đập Đá và xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn. Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Trong suốt một thời gian dài từ 1776 đến 1793 Thành là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền Trung ương Vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc.

Sử cũ chép về Thành Hoàng Đế: “Nguyễn Nhạc nhân đất cũ của Chiêm Thành, sửa đắp thành Đồ Bàn, đào lấy đá ong thành Lũy, mở rộng cung điện” (Sách Lê Quí Dật Sử); “Tây Sơn Nguyễn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong tiến xưng là Thành Hoàng Đế” (Đại Nam Nhất Thống Chí); “Đồ Bàn có từ lâu đời, khắc phục tự nhà Trần, bị phá vỡ tự đời nhà Lê, khôi phục được từ nhà Tây Sơn, sau dần dần phá bỏ mà nay nền cũ vẫn còn…Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4 bèn nhân nơi đó mà đóng đô, mở rộng cửa đông kéo dài đến 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao đến 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng, mở thêm 1 cửa thành ra 5 cửa, riêng phía trước có 2 cửa, bên tả là cửa Tân Khai, bên hữu là cửa Vệ môn…phía tây thành có đắp con đê đỉnh nhĩ để phòng nước lụt, phía Tây Nam có đàn Nam Giao để tế trời đất, bên trong thành xây thêm bức thành con, chính giữa dựng điện Bát Giác…phía sau là điện Chánh Tẩm (nhà chính), trước điện Bát Giác có lầu Bát Giác; hai bên dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ tiên ông Nhạc, bên hữu thờ tổ tiên bà Nhạc; trước lầu Bát Giác có cung Quyển Bồng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc; trước cửa cung có cửa Tam Quan cũng gọi là cửa Quyển Bồng, hay là cửa Nam Lâu mà cửa Vệ Môn đứng ở trước mặt” (Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển).

Theo Chapman, một thương gia người Anh khi đến thăm Nguyễn Nhạc vào giữa năm 1778 viết: “Tường thành phía Đông dài nửa dặm, không thấy có đại bác, lỗ châu mai, tháp canh gì cả. Cũng không thấy có lính canh ở cổng và trên tường thành”.

Đến năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế đổi tên là thành Bình Định. Năm 1800, quân Tây Sơn vây thành, đến năm 1801 chịu không nổi trùng vây của quân Tây Sơn, hai tướng giữ thành của Nguyễn Ánh là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự sát.

Năm 1802, quân Tây Sơn bỏ thành ra Bắc. Khi Gia Long lên ngôi, nơi đây trở thành dinh Bình Định rồi trấn Bình Định. “Năm Gia Long thứ 7 (1808) dời đến chỗ hiện nay (thôn Kim Châu và An Ngãi), năm thứ 14 đắp bằng đất, năm thứ 16 xây bằng đá ong” (Đồ Bàn Thành KýNguyễn Văn Hiển). Để xây thành Bình Định, nhà Nguyễn đã dỡ lấy vật liệu đá ong từ thành Hoàng Đế và xây lăng mộ Võ Tánh ngay trên địa điểm điện Bát Giác và lầu Bát Giác.