Thăm cảnh chùa Hang

Đăng bởi admin lúc

Đến thị trấn Phù Mỹ, rẽ qua đường Chu Văn An, theo hướng Tây đi thêm chừng 6 km nữa, ta đặt chân đến chùa Hang (tên chữ là Thạch Cốc tự hay Thiên Sanh Thạch tự, nay thuộc xã Mỹ Hòa). Chỉ là một ngôi chùa nhỏ, vậy mà khung cảnh thật nên thơ, đẹp lạ…

Tôi ghé qua chùa Hang đúng vào một ngày mưa. Con đường rẽ vào ngôi chùa đã bị xáo lên bởi những đợt xe chở cát, đá đi qua. Nhưng khi đặt chân dưới những gốc cây lớn hai bên lối đá nhỏ dùng làm đường lên cửa chùa thì bao mệt mỏi như tan biến. Để rồi lại hồ hởi cất bước hành trình leo dốc.

Đường khá quanh co, nhưng do được lát bằng những bậc đá, nửa là tự nhiên, nửa có bàn tay chăm chút của con người, nên dễ đi. Hai bên đường là những tảng đá lớn, chen giữa những tán cây. Con đường gấp khúc rồi chợt mở ra bằng một lối nhỏ. Trước mắt ta là một khoảng sân khá rộng, trên có tảng đá lớn nhô ra như một mái hiên khổng lồ. Đó chính là chùa Hang.

Tảng đá khá lớn nhưng chỉ cách mặt đất vài mét. Muốn vào hang, khách hành hương phải cúi người và men từng bước trên những lối nhỏ quanh co. Qua dăm mét, chợt hiện một khoảng không khá rộng, có thiết bàn thờ Phật. Phía trước bàn thờ có một hang nhỏ sâu hun hút, theo lời hiệp thợ đang tôn tạo cảnh chùa, hang sâu này nghe đồn là thông ra tận biển, dài non chục cây số. Sợ có người sảy chân xuống hang nên giờ họ đã lấp miệng hang lại bằng cát. "Chỉ những ngày mưa như hôm nay chúng tôi mới khai thông cho nước rút bớt xuống"- một người thợ nói. Phía sau bàn thờ, con đường nhỏ lại tiếp tục dẫn ta lên miệng hang. Đi trên những bậc đá, thâm u, hoang tịch, lại nghe tiếng nước róc rách, như xa, như gần, cảm giác thành kính mà hoang sơ lạ.

Con đường vòng phía sau tảng đá hóa ra tìm đến miệng hang lại khá thuận. Tảng đá trên miệng hang dài dễ phải hơn chục mét, bề mặt rộng chừng 5 - 6 m. Mặt trên khối đá gồ lên như chiếc bát úp lớn. Thật may là đã có những hõm đẽo sâu vào mặt đá tạo thành bậc nên muốn leo lên đỉnh cũng khá dễ dàng. Trên đỉnh hòn đá, có một mặt bằng khá rộng, có chỗ cho cả chục người cùng nghỉ chân. Phía sau lưng là đá núi lô nhô, chen giữa những thân cây, chỉ hở những lối nhỏ như muốn mời những ai có ý thích khám phá. Phóng tầm mắt ra xa, trước mặt, về hướng đông, ruộng vườn, nương rẫy trải dài một màu xanh bạt ngàn.

Vãn cảnh chùa xong, tôi ghé vào ngôi nhà nhỏ nép dưới chân núi - nơi ở của hai mẹ con người coi chùa. Bà Võ Thị Dũng, năm nay đã 103 tuổi, đầu óc hãy còn minh mẫn, nhưng không cách nào nói để cho bà nghe và hiểu được. Còn người con, bà Lê Thị Tiến, năm nay cũng đã ở tuổi thất thập, thì phải dùng máy nghe. Bà Tiến theo mẹ lên ở dưới mái chùa từ hồi còn bé. Hai mẹ con bà bị nặng tai do dư chấn một trận bom Mỹ trong những năm chiến tranh.

Bà Tiến kể cho tôi nghe bao chuyện truyền tụng về ngôi chùa. Truyền rằng những khi nắng hạn, nghe trên núi có tiếng ồ ồ như tiếng xay lúa thì liền đó trời đổ mưa to, mưa lâu ngày mà có tiếng như thế thì biết là trời sắp nắng. Và cách đó chừng vài mét, bà Hường, người xã Mỹ Trinh, đang phụ giúp nhà chùa trong những ngày có việc, chỉ cho tôi một mạch giếng nhỏ, giống như con suối nhưng lại có mạch từ lòng núi chảy ra. Giếng này không bao giờ cạn - bà Hường nói.

Theo Quách Tấn trong Võ nhân Bình Định và Nước non Bình Định thì dưới triều Thành Thái, khoảng 1890, một lão tăng, không ai biết danh tánh là gì, quê quán ở đâu, đến ở tu nơi đây. Lão tăng tuổi độ trên dưới 70, tu theo khổ hạnh đầu đà. Không biết pháp danh, pháp hiệu, người địa phương gọi lão tăng là "thầy chùa Hang" hay "thầy chùa Đá Bạc".

Năm Giáp Ngọ (1894) bệnh thiên thời hoành hành khắp huyện Phù Cát, người chết chôn không kịp. Có làng dân phải đốt nhà, di tản đi nơi khác để tránh truyền nhiễm. Giữa lúc ấy thì "thầy chùa Đá Bạc" xuất hiện, đi cho thuốc khắp nơi. Nhiều người khỏi bệnh. Chẳng những người trong khắp tỉnh Bình Định, mà cả người ở Phú Yên, Quảng Ngãi, cũng tìm tới xin thuốc. Chùa Hang nổi danh từ đó.

Cảnh chùa Hang đẹp là thế. Nhưng vẻ đẹp ấy hiện vẫn chưa được khai thác. Hậu quả của những đợt khai thác đá xây dựng thời gian qua đã làm cho những tảng đá lớn trên đường vào chùa như bị gặm nát. Chùa Hang sẽ là một điểm hành hương, du lịch văn hóa hấp dẫn nếu thật sự được đầu tư.