Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.
Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt... Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị. Cái vị ngọt nhẩn nha lan tỏa... Dân dã là thế, nhưng đi xa đến đâu vẫn thấy da diết nhớ...
Nguồn tin: binhdinh.gov.vn