Làng nghề dệt chiếu cói

Đăng bởi admin lúc

Nghề dệt chiếu cói vốn là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn và một số địa phương khác ở Bình Định. Chiếu dệt có rất nhiều loại: chiếu khổ rộng, khổ hẹp, chiếu trơn và chiếu hoa.

Chiếu trơn làm tương đối đơn giản bởi chiếu được dệt từ cói trắng không nhuộm màu. Dệt chiếu hoa công phu hơn nhiều. Chiếu hoa ở Bình Định không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi cói về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo từng chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng. Phẩm nấu lên và nhúng sợi cói vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Những sợi cói màu sau khi phơi khô, được đem dệt thành chiếu hoa. Thường trên một chiếu hoa, ở giữa có chữ thọ, chữ song hỷ, hoặc chữ trăm năm hạnh phúc,… Còn ở bốn góc thì là tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, bốn góc xung quanh có hoa văn trang trí nhiều kiểu, nẹp ngoài hai đường kẻ hoặc đỏ hoặc xanh, trông rất trang nhã hài hòa.

Trong những năm qua hoạt động làng nghề phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong làng nghề. Theo thống kê của UBND xã, các thôn có hộ dân làm nghề dệt chiếu là 1.525 hộ thì có gần 700 hộ sinh sống bằng nghề này. Nhằm nâng cao giá trị của cây cói cũng như giải quyết được nhiều việc làm hơn, bên cạnh nghề dệt cói, người dân Bình Định còn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói như: mũ, túi xách, đệm chà chân… Tại thời điểm đề nghị công nhận tổng số hộ cùng ngành nghề là 780 hộ, chiếm 51% so với tổng số hộ dân trong thôn; số lao động tham gia cùng ngành nghề 1.525 người chiếm 25% so tổng số lao động trong thôn;

Làng nghề dệt chiếu cóiđã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.