Đến địa phận thôn Long Thành thuộc xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, theo con đường thôn ngoằn ngoèo, uốn khúc quanh những khu rừng bạch đàn và keo lá tràm khoảng chừng 1,6 km, bạn sẽ đến được bờ tràn của hồ Long Mỹ.
Men theo bờ tràn của đập vài trăm mét nữa, hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp con suối Ngang (gọi là suối Đá), do nước đổ từ đỉnh núi Hàm Rồng và chảy xuống hồ Long Mỹ. Lòng suối có rất nhiều phiến đá với đủ hình thù, nhỏ, chen nhau đứng, ngồi. Nước suối Ngang chảy từ trên đỉnh núi cao và dốc, lại bị nhiều phiến đá ngáng trở nên giận dữ trào ra những dòng thác trắng xóa.
Tiếng róc rách bất tận của nước. Những thanh âm vi vút của rừng và cảm giác được chinh phục, khám phá những bí mật còn nằm sau những tảng đá khổng lồ kia đã đưa bạn đến với lưng chừng núi từ lúc nào.
Tại đây, bạn đừng bỏ qua cơ hội được tắm nước "Giếng Tiên". Đó là một hốc nước rộng trong văn vắt, quanh năm không bao giờ khô cạn. Sau một hồi lội suối, trèo non, được tắm nước Giếng Tiên thì tinh thần sảng khoái.
Dân địa phương kể rằng: trước đây, ở suối Ngang có một loại đặc sản rất có giá trị, đó là loài cua Đinh. Cua Đinh (còn gọi là con Trạnh) trông giống như ba ba nhưng mai cứng hơn, vóc dáng to lớn hơn, có con cân nặng 5-7 kg. Thịt cua Đinh vừa dai, ngọt vừa thơm nên giá trị kinh tế rất cao. Về đêm, đi câu chình ở suối Ngang cũng là một cái thú… Còn bây giờ, do sự khai thác "tận diệt", những sản vật quý hiếm ở suối Ngang hầu như không còn.
Càng ngược lên cao, bạn sẽ gặp nhiều thác đẹp. Nhưng muốn chinh phục đỉnh núi, có lẽ cần phải có sự chuẩn bị "dài hơi" cho đôi chân. Ông Trần Đại Long, một người dân nhà ở gần lưu vực hồ Long Mỹ cho biết: "Người dân ở đây muốn biết "mưa thuận, gió hòa" hay không, cứ nhìn lên đỉnh núi. Hôm nào đỉnh núi có sương mù thì nhất định 1-2 ngày sau trời sẽ có mưa"...
Đỉnh Sương Mù (đỉnh Hàm Rồng) còn có một loại chè đặc biệt gọi là chè Tiên, người dân thường lên núi hái về thái nhỏ phơi khô để dùng. Chè có vị ngọt, chát ở đầu lưỡi và đặc biệt còn chữa được bệnh đường ruột.
Nguồn tin: Báo Bình Định