Căn cứ Núi Bà

Đăng bởi admin lúc

Núi Bà - tên của cả một dãy núi gồm 66 đỉnh cao thấp khác nhau, được uốn lượn đan xen gấp nếp củacác mạch Trường Sơn đâm ra biển Đông. Núi Bà nằm về phía đông-nam huyện Phù Cát, có tổng diệntích khoảng 40km2, địa hình tự nhiên phong phú với một thảm thực vật đa dạng, là nơi tồn cư của những quần thể động vật quý hiếm.

Các sử gia triều Nguyễn gọi Núi Bà là Phô Nghinh Đại Sơn. Xung quanh Núi Bà có nhiều di tích khá nổi tiếng như miếu Bà, đền thờ thần Núi, đá Vọng Phu, chùa Linh Phong với sự tích về Ông Núi, các giếng vuông, phế tích tháp cổ Chăm-pa. Tháp cổ Hòn Chuông mà dân gian gọi là Hòn Bà Chằng là một di tích văn hóa Chăm được xây dựng trên một khối đá to cao, là một kiến trúc duy nhất mà trong bản thống kê các di tích Chăm ở Trung Kỳ của người Pháp chưa được nhắc đến.

Núi Bà là một căn cứ địa cách mạng vững chắc của quân và dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Núi Bà có một vị trí chiến lược khá quan trọng của tỉnh Bình Định và đặc biệt ở Khu Đông, rất thuận tiện cho việc vận chuyển giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Nhìn nhận về mặt quân sự, Núi Bà vừa là một vị trí mang tính phòng ngự chiến lược, vừa là vị trí tiến công khi có thời cơ. Cho nên làm chủ được Núi Bà thì có thể làm chủ được Khu Đông Bình Định. Do đó Núi Bà được chọn làm căn cứ địa cách mạng của Khu Đông tỉnh Bình Định. Trong kháng chiến chống Pháp, Núi Bà chưa trở thành một căn cứ, tuy vậy nơi đây cũng đã được hình thành các trụ bồ dọc ven biển để báo động cho nhân dân quanh vùng mỗi khi có Pháp đổ bộ. Chín năm kháng chiến chống Pháp, các cơ sở cách mạng Bình Định hầu hết đóng ở đây. Suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Núi Bà ngày càng được củng cố vững chắc, trở thành chỗ dựa cho lực lượng tỉnh, cũng như các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát và Quy Nhơn.

Căn cứ địa cách mạng Núi Bà như một người mẹ hiền che chở và nuôi giấu lực lượng cách mạng trong suốt thời kỳ chiến tranh gian khổ. Núi Bà đã ghi nhận biết bao chiến công của cán bộ, chiến sĩ, ghi nhận sự hy sinh mất mát và khắc sâu tội ác của Mỹ-ngụy đã gây ra cho nhân dân ta. Ai đã từng sống, chiến đấu ở căn cứ Núi Bà có lẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh gian khổ. Những địa danh như khu 10, Trạm xá Khu Đông, đồi Búp Sen, Vĩnh Hội, Hố Nhảy, hang Động Rừng, Sơn Rái... là những hình ảnh không bao giờ quên. Và có lẽ không một địa danh nào ở đây lại không mang những kỷ niệm sâu sắc đối với những người từng sống, chiến đấu ở trên chiến trường Khu Đông.

Núi Bà - căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bình Định với 22 điểm di tích đang được bảo vệ gìn giữ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa ngày 25-1-1994 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thành lập Đề án tôn tạo Khu di tích.