Làng nghề truyền thống Nón lá

Đăng bởi admin lúc

Gọi là nón Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), còn thật ra, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn).

Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa ngày xưa. Nó tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tính cầu kỳ thái quá, hợp với dân lao động một nắng hai sương. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mể sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ tàu thơm trắng muốt và đều đặn.

Mỗi nón phải xây với 18-19 lá ở độ tuổi thích hợp. Nếu lá quá tuổi sẽ dẫn đến màu vàng như nón mắc mưa, thếp lá dày không thanh mảnh; lá nhỏ tuổi thì nhiều gân xanh, làm cho mặt nón thô nhám mất đi vẻ mượt mà dễ cảm. Đầu mối chính của nghề nón là chợ nón Gò Găng họp thường xuyên từ 3, 4 giờ sáng. Cứ hết một đợt làm được 25- 30 chiếc thì bà con các vùng phụ cận lại mang nón đến bán và mua sắm vật liệu cho đợt sau. Bắt nguồn từ nơi đây, mỗi tháng Gò Găng có thể cung cấp cho cả nước hơn 50.000 chiếc nón. Tháng ế nhất cũng gần 20.000 chiếc. Trong mấy năm trước đây, nón Gò Găng còn được xuất sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc... dưới dạng cải biên hình thức cho hợp với xứ người. Từ vùng núi cao nguyên mưa nguồn gió dữ đến các miệt vườn Nam bộ, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho mọi người lao động.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề Nón lá Gò Găng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.