Làng nghề truyền thống Đúc kim loại Bằng Châu, Đập Đá

Đăng bởi admin lúc

Làng nghề đúc kim loại Bằng Châu có trên 200 năm, do ông tổ làng nghề Nguyễn Thiện gốc Ý Yên - Nam Định truyền dạy. Trước năm 1954, sản phẩm làng nghề rất nổi tiếng và đa dạng về chủng loại như: chảo gang, nồi đồng các loại, đồ thờ, tượng, chuông, khuôn ngói… Từ năm 1954 đến năm 1975, sản phẩm đồng gồm: bình hoa, lư, đồ thờ cúng, nồi bảy dùng tráng bánh tráng hay nấu rượu… Sau năm 1975, sản phẩm chuyển qua đúc nhôm: đồ gia dụng nhà bếp; đúc đồng: đồ phụ tùng tàu thuyền như chân vịt, trục láp chân vịt; đúc gang: ổ đỡ, bánh đà, bơm nước…

Khoảng 10 năm trở lại đây, hình thành các xưởng chuyên đúc đồng, nhôm, gang. Các sản phẩm nhôm như: đầu nối ống nước, puli, ổ đỡ, vỏ bơm nước…; sản phẩm gang như: các loại bơm nước, các loại bánh đà, bánh đai, các phụ kiện cho công nghiệp gỗ ngoài trời, trụ đèn trang trí…

Các sản phẩm có chất lượng, có thị trường, đặc biệt mạnh ở các tỉnh Cao nguyên và duyên hải miền Trung, khoảng 10 cơ sở đúc lớn và 30 cơ sở dạng hộ gia đình, thu hút khoảng 400 lao động. Tuy nhiên sản xuất không liên tục, công nghệ còn lạc hậu.

Nhằm củng cố nghề đúc, năm 2008 đã thành lập Hiệp hội nghề đúc Bằng Châu. Để tăng giá trị sản phẩm đúc đồng, tỉnh, huyện và Cục Khuyến công đã hỗ trợ kinh phí, dạy nghề chạm khảm tam khí (khảm đồng đỏ, bạc và vàng) trên sản phẩm đồng (du nhập từ làng nghề khảm bạc Đồng Xâm-Kiến Xương-Thái Bình).

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất lớn đều tập trung tại cụm công nghiệp Gò Đá Trắng, thị trấn Đập đá. Các doanh nghiệp này đầu tư nhà xưởng lớn, như doanh nghiệp Dũng đầu tư 2 lò nung trung tầng để nấu gang hay nấu thép, công suất mỗi lò nung 1,2 tấn cho chất lượng kim loại đúc theo yêu cầu. Nhờ các cơ sở đúc kim loại lớn và các cơ sở mua phế liệu sơ chế đúc nguyên liệu nhôm đồng, nên sản lượng của ngành đúc kim loại khá cao và liên tục tăng.