Rượu Bàu Đá

Đăng bởi admin lúc

Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô... Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà.

Rượu Bàu Đá (còn gọi Bầu Đá) có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Chỉ nguồn nước sông Kôn ngọt ngào mới cho ra loại rượu ngon, thơm và uống có hậu ấy (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Khi nấu rượu, không dùng nồi nhôm mà dùng nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.

Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng cầu kỳ lắm lắm; Rượu trong bầu, chai, nậm phải rót ra bình gọi là ve vòi, cái ve vòi đựng rượu có câu đố dân gian rằng:

Thượng tiểu, hạ đa (Trên nhỏ, dưới to)

Tích thủy, phi thủy (Đựng nước nhưng không phải nước)

Thọ thai, bất thọ thai (Chửa nhưng không phải chửa)

Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách: Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách, vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Rượu nước đầu trong vắt, rót sủi tăm, ực một cái thấy thót cả người, vừa cay, vừa ấm, vừa nồng, chạy đến đâu biết đến đó, như một luồng điện từ cổ xuống bụng và lan nhanh ra các mạch máu toàn thân. Rượu mới nấu nóng hôi hổi uống vào càng tuyệt. Có một điều lạ, dù có say ngất ngư, bạn có thể ngủ một giấc đến sáng mà không nhức đầu. Ca dao Bình Định có câu: "Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?".

Rượu Bầu Đá không chỉ là rượu để nhậu mà còn là rượu lễ, rượu mừng không thể thiếu được trong các đám cưới, đám tang, đám giỗ.