Đầm Thị Nại - Bán đảo Phương Mai: Bức tranh sơn thủy trong lòng thành phố

Đăng bởi admin lúc

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Bình Đị nh vô số thắng cảnh đẹp, nổi tiếng: Ghềnh Ráng – Tiên Sa, Hầm Hô, bãi Dài, biển Quy Nhơn… và không thể không nhắc tới đầm Thị Nại – bán đảo Phương Mai, một điểm đến đã hấp dẫn biết bao du khách.

Đầm Thị Nại mang vẻ đẹp mỹ miều do thiên nhiên ban tặng. Ảnh: Xuân Tuyến

Bức tranh sơn thủy hùng vỹ

Nằm về phía đông Bắc Quy Nhơn, với diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần bốn cây số, đầm Thị Nại là một trong những đầm nước mặn lớn nhất ở Bình Định. Từ lâu, đầm đã được coi như một thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định:

“Bình Định có núi Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Em về Bình Định cùng anh”…

Đầm Thị Nại nhìn trên cao tựa như bức tranh sơn thủy làm mê hồn người. Ảnh Duy Ngọc

Đầm được hình thành bởi các nhánh sông Kôn, Hà Thanh hội tụ về đây. Một thời gian dài, đầm có tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian, từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là CriVinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại. Khi nước triều lên, mặt đầm nước mênh mông, sóng dập dờn như mặt biển. Đặc biệt, mỗi buổi ban mai, trước khi mặt trời nhô lên khỏi dãy Triều Châu, hay những tối trăng tròn chìm trong rừng ngập mặn xanh tươi, mặt đầm mờ mờ huyền ảo như chốn thần tiên.

Trong đầm, ở gần phía tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay, trên núi nhỏ vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải là ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thủy thần.

Lại có thuyết cho rằng, Thầy Bói đây không phải là bốc sư, mà là tên của một giống chim ăn cá, lớn bằng bắp tay, lông xanh, ức đỏ, mỏ dài, tương tự chim sa sả. Các nơi gọi là chim bói cá. Người Bình Định gọi là chim thầy bói. Giống chim này thường tụ nơi khóm đá để bắt mồi. Khóm đá dáng tròn tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.

Một góc Thị Nại. Ảnh Vinh Lê

Những ngày gió lặng biển êm, có dịp xuôi thuyền trên đầm Thị Nại, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành cùng với cảnh sắc thiên nhiên đẹp hữu tình và quyến rũ; được ghé Cồn Chim, “lá phổi xanh” của TP. Quy Nhơn, cái tên quen thuộc và hấp dẫn du khách khi đến Bình Định, nhất là những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái. Tại đây, du khách sẽ tự mình khám phá sự đa dạng về sinh học, nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, với sự có mặt của những dãy rừng ngập mặn và thảm cỏ biển gần 25 loại; động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá; có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng…

Du khách cũng có thể tổ chức cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ; một ngày làm ngư dân, cùng ngư dân địa phương trải nghiệm các hoạt động chèo thuyền, thả lưới, giăng câu, quăng chài…; nghỉ ngơi, thư giãn ở các chòi sinh thái được xây dựng dưới tán rừng ngập mặn, thưởng thức thủy đặc sản đầm Thị Nại… hoặc thả sức nô đùa với sóng biển xanh trong vắt, hoặc chơi các trò trượt cát thú vị tại các đồi cát hoang sơ đẹp đến nao lòng người.

Đến với đầm Thị Nại, du khách cũng có thể ngắm nhìn cầu Thị Nại êm đềm tọa lạc giữa một thiên cảnh núi – sông – biển thi vị. Cây cầu mờ ảo, huyền diệu này được xem là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, đã níu chân hàng triệu du khách thập phương khi đến nơi đây.

Trong năm 2015 này, để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về địa hình và cảnh quan của khu vực, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường cảnh quan đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định đang kêu gọi đầu tư xây dựng Khu Du lịch Sinh thái đầm Thị Nại với quy mô 6440ha gồm các hạng mục: bãi tắm, khu biệt thự, khách sạn, bến thuyền, rừng ngập mặn khu du lịch sinh thái (trong đó có 200 ha thuộc dự án bảo tồn rừng ngập mặn), mức đầu tư vào khoảng 400 triệu USD.

Theo Đặng Long (binhdinhinvest.gov.vn)