In trang: 


Giáo sư Hàn Quốc quỳ gối xin lỗi hơn 1.000 thường dân bị sát hại ở Bình Định

Đăng ngày:3/2/2016 8:58:50 PM bởi admin

Nửa thế kỉ trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, nhưng niềm đau và nỗi buồn vẫn còn đó. Thật là xấu hổ và tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này....

“Nửa thế kỉ trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, nhưng niềm đau và nỗi buồn vẫn còn đó. Thật là xấu hổ và tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này. Bổn phận của chúng ta, những người còn sống sót là phải ghi nhớ, biết hối cải và nhìn nhận lại bản thân trước những vấn đề lịch sử. Tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của những người đi trước không trở thành vô nghĩa”.

Chiều 26/2, tại khu chứng tích lịch sử Gò Dài (thôn Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), UBND tỉnh Bình Định trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An (26/2/1966-26/2/2015).

Tại buổi lễ tưởng niệm, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, Liên minh vì hòa bình Châu Á, Hội Y tế Hàn Quốc vì hòa bình Việt Nam, thành viên Hội đồng Quản trị Bảo tàng Hòa Bình Hàn Quốc…, lãnh đạo tỉnh Bình Định, các sở ban ngành, cùng đông đảo nhân dân các vùng từng hứng chịu trong vụ thảm sát đã thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ những nạn nhân.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, vùng đất Bình An (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An, huyện Tây Sơn, Bình Định) - nơi từng hứng chịu vụ thảm sát diễn ra trong nhiều ngày, cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân vô tội - nay đã hồi sinh, diện mạo thay đổi và bình yên đúng như cái tên vốn có.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại lễ tưởng niệm
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại lễ tưởng niệm

Cách đây 50 năm, từ ngày 23/1 đến 26/2/1966, 1.004 người dân vô tội tại xã Bình An cũ (nay thuộc các xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An, huyện Tây Sơn và các xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) đã bị lính Nam Triều Tiên sát hại dưới sự chỉ huy của đế quốc Mỹ. Đau thương hơn, chỉ trong 1 giờ ngày 26/2/1966, hơn 380 dân thường tại Gò Dài bị giết hại, 1.925 ngôi nhà bị phá hủy,… những nạn nhân được chôn chung trong một hố.

Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát, nhớ lại: “Ngày 23 tháng Giêng Xuân Bính Ngọ 1966 là ngày mà tôi và những người dân Tây Vinh sẽ không bao giờ quên. Tiếng súng, tiếng pháo nổ liên hồi, 3 mẹ con tôi cùng người dân trong làng kéo nhau xuống hầm. Thế nhưng, lính Triều Tiên phát hiện và ra lệnh chúng tôi đi theo chúng. Tại điểm tập trung - đám ruộng Cạnh Buồm (thuộc xóm 1, thôn An Vinh 1), có hơn 20 gia đình ngồi ở đó trong vẻ hãi hùng. Rồi sau một tiếng hét to, chúng đồng loạt nã súng vào người dân. Xác người đổ lên nhau, máu tuôn đỏ ruộng đồng, tiếng la khóc thảm thiết của người dân gọi người thân”.

Đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, đoàn thể Hàn Quốc dâng hoa, dâng hương đến những người dân vô tội trong vụ thảm sát năm 1966
Đại diện các tổ chức quốc tế, các hội, đoàn thể Hàn Quốc dâng hoa, dâng hương đến những người dân vô tội trong vụ thảm sát năm 1966

Tại buổi lễ, Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt, gửi lời xin lỗi đến thân nhân các gia đình có người tử nạn trong vụ thảm sát.

“Nửa thế kỉ trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Bình An, nhưng niềm đau và nỗi buồn vẫn còn đó. Thật là xấu hổ và tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này. Bổn phận của chúng ta, những người còn sống sót là phải ghi nhớ, biết hối cải và nhìn nhận lại bản thân trước những vấn đề lịch sử. Bởi không có quá khứ sẽ không có tương lai; không biết ăn năn, hối lỗi không thể xây dựng được hòa bình. Tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của những người đi trước không trở thành vô nghĩa”.

Năm 1990, Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cho những địa điểm ghi lại tội ác của quân Nam Triều Tiên tàn sát nhân dân từ ngày 23/1 đến ngày 26/2/1966 tại Bình An (huyện Tây Sơn). Ngày 25/2, nhân dân các địa phương chịu đau thương trong vụ sát hại đã tổ chức lễ giỗ tập thể để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ thảm sát.

Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt quỳ xuống sân khấu xin lỗi đến thân nhân của người dân vô tội trong vụ thảm sát
Giáo sư Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt quỳ xuống sân khấu xin lỗi đến thân nhân của người dân vô tội trong vụ thảm sát

Ngày nay, tại Khu di tích Gò Dài, thế hệ con cháu vẫn có thể hình dung về vụ thảm sát tàn khốc năm nào qua bức tranh bằng gốm phác họa lại vụ thảm sát. Bức tranh mô tả cảnh pháo, máy bay địch đang bắn phá làng mạc, làm nhà cháy, trâu bò chết, ruộng vườn tan hoang; lính Nam Triều Tiên dồn người già, phụ nữ, trẻ em rồi xả súng để giết họ, người chết nằm ngổn ngang đè lên nhau.

Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó.
Ông Nguyễn Tấn Lân (ở xã Tây Vinh) - nhân chứng sống trong vụ thảm sát không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó.
Nhân dân địa phương lấy ngày 25/2 hàng năm làm ngày giỗ chung tưởng nhớ các nạn nhân
Nhân dân địa phương lấy ngày 25/2 hàng năm làm ngày giỗ chung tưởng nhớ các nạn nhân
Các hội, đoàn thể, trí thức Hàn Quốc thành kính dâng hương đến các nạn nhân
Các hội, đoàn thể, trí thức Hàn Quốc thành kính dâng hương đến các nạn nhân
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định thắp hương tưởng niệm người dân vô tội trong vụ thảm sát
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định thắp hương tưởng niệm người dân vô tội trong vụ thảm sát
Những cụ già ở Tây Vinh chẳng bao giờ quên giây phút bị lính chư hầu Nam Triều Tiên thảm sát người thân mình
Những cụ già ở Tây Vinh chẳng bao giờ quên giây phút bị lính chư hầu Nam Triều Tiên thảm sát người thân mình

Bức tranh kể lại cuộc thảm sát của 50 năm trước.

Bức tranh "kể" lại cuộc thảm sát của 50 năm trước.

Doãn Công

Nguồn tin:


Bản quyền © 2014 Viet Khanh NewsIn trang: